Luật Mama
Luật Mama khi cho con ăn là bộ những quy tắc mẹ cần tuân thủ trong mỗi bữa ăn của trẻ.
- Luôn cho con ăn theo các khung giờ cố định trong ngày. Áp dụng ngay khi con bắt đầu tập ăn dặm. Việc ăn đúng giờ sẽ giúp con tạo thành thói quen ăn uống. Đồng hồ sinh học của cơ thể trẻ sẽ điều chỉnh hợp lý để con không bị quá no hoặc quá đói.
- Thời gian cho mỗi bữa ăn không kéo dài quá 30 phút đối với bữa chính và không quá 20 phút đối với bữa phụ. Đây là kết quả của nhiều nghiên cứu khoa học về thời gian ăn uống hợp lý đối với trẻ. Nếu bữa ăn kéo dài quá lâu sẽ tạo ra sự mệt mỏi và chán nản cho cả mẹ và bé. Khiến con cảm thấy mỗi bữa ăn giống như một cực hình vậy.
- Cho con ăn ở nơi yên tĩnh, vắng người, không tivi, điện thoại và đồ chơi. Điều này sẽ rèn luyện cho con sự tập trung khi ăn uống. Sự tập trung không chỉ giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả mà bữa ăn cũng diễn ra nhanh chóng hơn, không gây cảm giác mệt mỏi và bé cảm nhận được rõ hương vị thơm ngon của đồ ăn.
- Hạn chế tối đa việc cho trẻ ăn vặt trước bữa ăn. Điều này sẽ tạo cảm giác no giả khiến trẻ không muốn ăn tiếp. Nếu cho con ăn bữa phụ thì phải cách bữa chính tối thiểu 1 đến 2 tiếng.
- Mỗi ngày không cho con uống quá 500 – 600 ml sữa. Đây là mức sữa tối đa trẻ ở độ tuổi ăn dặm có thể hấp thụ tốt mà không ảnh hưởng tới việc bổ sung các thực phẩm khác.
- Trẻ nên được tập ngồi ghế để ăn ngay khi bắt đầu tập ăn dặm. Việc cho con ngồi trên lòng mẹ hay bế con đi rong sẽ khiến việc ăn uống không tập trung, trẻ không tự chủ được với việc ăn của mình. Do đó, việc tập cho con ngồi ở ghế ăn là rất cần thiết.
Luật Baby
Những quy tắc trong luật Baby đòi hỏi mẹ thấu hiểu về bé. Mỗi đứa trẻ có khả năng hấp thụ thức ăn khác nhau, sự ép buộc hay quát mắng không giúp con ăn tốt hơn mà còn gây phản ứng ngược, khiến trẻ sợ hãi và biếng ăn. Vì thế, mẹ cần tuân thủ 2 quy tắc trong luật này.
Quy tắc 1: Bé đã no
Trẻ nhỏ có thể tự mình cảm nhận cảm giác no đói và điều chỉnh được lượng thức ăn có thể hấp thụ trong một bữa. Mẹ không nên áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình vào để ép con phải ăn một lượng thức ăn nhiều hơn khả năng của trẻ. Khi thấy con có những dấu hiệu đã no sau đây mẹ cần cho con ngừng ăn ngay lập tức.
- Quay đầu
- Ngậm miệng
- Đẩy chén ra
- Kêu la
- Nhả thức ăn
- Ngậm miệng từ chối nhai.
Nếu mẹ không kịp thời đáp ứng tín hiệu báo đã no của con, thì chắc chắn chỉ sau vài ngày con sẽ có triệu chứng biếng ăn. Vì thế, đừng cố ép trẻ mà hãy lau miệng cho con và không quên nói những lời động viên “Con của mẹ ăn giỏi quá, lần sau hãy ăn thêm nữa để mau lớn nhé!”
Quy tắc 2: Ứng phó với trẻ biếng ăn
Khi quy tắc 1 không được mẹ tuân thủ thì chắc chắn con sẽ tiến đến việc biếng ăn. Lúc này mẹ cần ứng phó một cách đúng nhất.
Trước hết mẹ phải giữ được sự bình tĩnh và giảm áp lực của bản thân đi. Bất cứ người mẹ nào chứng kiến cảnh con kiên quyết không chịu ăn đều cảm thấy ức chế, bực bội, thậm chí là stress. Tuy nhiên, bạn càng tỏ thái độ khó chịu, càng quát nạt thì con càng biếng ăn. Thế nên quan trọng nhất là phải giữ bình tĩnh.
Nguyên tắc tiếp theo là phải thật kiên nhẫn. Một đứa trẻ khi đã rơi vào tình trạng biếng ăn sẽ cần có 1 thời gian nhất định để lấy lại cảm giác ăn uống. Thế nên kiên nhẫn là điều cần thiết nếu bạn không muốn thua cuộc trong cuộc chiến cho con ăn.
Những việc mẹ nên làm:
- Thay vì nói “Ăn đi con, món này ngon lắm mà tại sao con không ăn”, mẹ hãy dùng hành động: Xúc một muỗng thức ăn đưa vào miệng và ăn thật ngon lành. Tiếp đó nói rằng “Ôi món này ngon quá, mẹ thích lắm, con có muốn ăn thử không?”.
- Đừng bao giờ nói với bất kỳ ai trước mặt con rằng “Con không ăn được món đó”, “Con không bao giờ ăn món đó”, hoặc “Con sẽ không chịu ăn món đó đâu”… bởi điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chứng biếng ăn của trẻ.
- Khi con đã có khả năng nhai, đừng nghiền nát thức ăn và trộn lẫn vào nhau. Hãy để riêng từng loại thực phẩm và cho bé tự do lựa chọn thứ mà mình muốn ăn.
- Nếu con thích ngậm thức ăn và không chịu nhai là do con không có hứng thú với thức ăn, hoặc có cảm giác không an toàn. Để chữa chứng này của bé, thay vì quát mắng hãy để con chơi đùa với thực phẩm, bày bừa cũng được. Trong quá trình chơi đùa đó, con được khám phá, cảm thấy thích thú và cảm thấy an toàn hơn với thức ăn. Từ đó, trẻ sẽ dần bỏ được thói quen ngậm thức ăn mà không chịu nuốt.
- Một bữa của trẻ nên có nhiều món ăn, mỗi món chỉ bày một lượng thật nhỏ để con không bị ngán.
- Không bao giờ dùng cách thưởng cho con bằng các loại bánh, kem, đồ ăn vặt… khi con ăn xong bữa chính. Điều đó sẽ khiến con ỷ lại, không có thưởng thì kiên quyết không ăn.
- Không tăng cữ sữa để bù đắp vào bữa mà con ăn ít hoặc không ăn. Hãy kiên nhẫn tuân thủ đúng bữa ăn hàng ngày một cách đều đặn. Nếu bạn thỏa hiệp bằng sữa con sẽ càng biếng ăn hơn.
- Không bắt đầu bữa ăn ngay sau khi con vừa vui chơi mệt mỏi.
Tuân thủ nghiêm ngặt 2 điều luật trên đây chắc chắn bạn sẽ không phải đối mặt với cuộc chiến ăn uống với con nữa. Kiên nhẫn và bình tĩnh là 2 chiếc chìa khóa quan trọng nhất giúp mẹ nuôi con nhàn tênh. Đừng bao giờ nghĩ rằng con có thể hết biếng ăn chỉ sau 1 vài ngày. Điều đó là không thể! Vì thế hãy kiên nhẫn và rồi bạn chắc chắn sẽ thành công.
Tham khảo thêm:
>> Cho trẻ ăn cháo xay nhuyễn hỗn hợp khiến con chậm phát triển
>> 6 sai lầm kinh điển khi nấu đồ ăn dặm mẹ nào cũng mắc
>> 5 nguyên nhân hàng đầu khiến con biếng ăn